Tổng hợp các triệu chứng dị ứng da thường gặp nhất

Triệu chứng dị ứng điển hình đó là nổi mẩn đỏ trên da, ngứa ngáy kèm theo sổ mũi, nhức đầu, hắt xì hơi… khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Hãy theo dõi bài viết ngay sau đây để biết cách phát hiện và phòng tránh.

I. 11 Triệu chứng dị ứng da thường gặp

Dị ứng có thể gây ra do rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Và điều đặc biệt ở đây là mỗi loại nguyên nhân gây dị ứng khác nhau sẽ gây ra các triệu chứng dị ứng khác nhau ở người bệnh. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này với danh sách 11 triệu chứng dị ứng thường gặp dưới đây:

1/ Triệu chứng dị ứng do nổi mề đay

Phản ứng dị ứng với các hóa chất trong thực phẩm, vết đốt của côn trùng, ánh sáng mặt trời hoặc thuốc có thể làm cho cơ thể bạn giải phóng một chất hóa học gọi là histamine. Histamine đôi khi làm cho huyết tương bị rò rỉ ra khỏi các mạch máu nhỏ trên da, gây ra hiện tượng nổi mề đay.

Triệu chứng dị ứng do nổi mề đay
Nhận biết dấu hiệu dị ứng do nổi mề đay

Triệu chứng dị ứng do nổi mề đay là phát ban sưng phồng, sưng đỏ nhợt nhạt, lốm đốm hoặc sưng trên da xuất hiện đột ngột. Phát ban thường gây ngứa ngáy châm chích và râm ran rất khó chịu. Tình trạng này có thể xuất hiện khắp nơi trên cơ thể bạn, bao gồm mặt, môi, lưỡi, cổ họng và tai. Các nốt sẩn có kích thước nhỏ mọc gần nhau và liên kết thành từng mảng. Hiện tượng này có thể kéo dài hàng giờ, hàng tuần hoặc thậm chí là hàng năm tùy vào mức độ dị ứng của bạn.

2/ Triệu chứng dị ứng do viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là phản ứng quá mẫn của cơ thể với các chất gây dị ứng cụ thể. Phấn hoa được xem là chất gây dị ứng phổ biến nhất trong viêm mũi dị ứng.

Các triệu chứng dị ứng do viêm mũi dị ứng bao gồm:

  • Hắt xì hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Ngứa ngáy ở mũi.
  • Ho.
  • Đau hoặc ngứa họng.
  • Ngứa mắt, chảy nước mắt, xuất hiện quầng thâm dưới mắt.
  • Đau đầu thường xuyên.
  • Mệt mỏi, choáng váng.

Bạn sẽ cảm thấy một hoặc nhiều triệu chứng này ngay lập tức sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Một số triệu chứng, chẳng hạn như đau đầu tái phát và mệt mỏi, chỉ có thể xảy ra sau khi tiếp xúc lâu với chất gây dị ứng. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác về tình trạng của bạn.

3/ Biểu hiện dị ứng do thuốc

Dị ứng thuốc là phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch với thuốc. Bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có khả năng gây dị ứng. Tuy nhiên, dị ứng thuốc có nhiều khả năng xảy ra hơn đối với các loại thuốc như penicillin, aspirin và một số thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen…

Triệu chứng dị ứng do thuốc
Một số các loại thuốc có thể gây dấu hiệu dị ứng

Các biểu hiện dị ứng do thuốc có thể bao gồm phát ban da, ngứa da, sốt, sưng tấy, khó thở, thở khò khè, sổ mũi, ngứa hoặc chảy nước mắt. Sốc phản vệ do dị ứng thuốc là một phản ứng hiếm gặp, đe dọa đến tính mạng với các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Người bệnh có cảm giác thắt chặt đường hô hấp, gây khó thở.
  • Buồn nôn hoặc đau bụng quặn.
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Mạch nhanh, yếu.
  • Giảm huyết áp.
  • Co giật.
  • Mất ý thức.

Các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng do thuốc nghiêm trọng thường xảy ra trong vòng một giờ sau khi uống thuốc. Các phản ứng khác, đặc biệt là phát ban có thể xảy ra hàng giờ, hàng ngày hoặc một vài tuần sau đó.

4/ Hiện tượng dị ứng do thức ăn

Bạn có thể trải qua một phản ứng dị ứng với thực phẩm tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của bạn. Khoảng 25% tất cả mọi người đã từng gặp phải dị ứng do thức ăn. Điều này xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn coi thức ăn đưa vào cơ thể là một mối nguy hiểm và bắt đầu phản ứng bằng cách giải phóng histamine từ các tế bào mast của bạn.

Trong trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng, cơ thể của bạn phản ứng quá mức với thức ăn và gây viêm, nôn mửa, thở khò khè, ho, chảy nước mũi và đôi khi có sự xuất hiện của phát ban đỏ ngứa hoặc cảm giác cứng ở cổ họng.

Một điều đặc biệt là hệ thống miễn dịch của bạn sẽ nhớ lại những thực phẩm nào đã gây ra phản ứng dị ứng. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn tiêu thụ loại thực phẩm đó thì phản ứng dị ứng sẽ có thể lặp lại.

5/ Dấu hiệu dị ứng do côn trùng

Ong vàng, kiến lửa là những côn trùng thường gây dị ứng nhất. Bạn có phát hiện dấu hiệu dị ứng do côn trùng cắn qua 3 loại phản ứng bao gồm:

Triệu chứng dị ứng do côn trùng
Côn trùng cắn và những dấu hiệu dị ứng

#Phản ứng dị ứng nhẹ:

Có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng tại chỗ chính như:

  • Đau nhói tại vùng da bị ảnh hưởng bởi vết cắn do côn trùng.
  • Nổi mẩn đỏ như mụn.
  • Nóng ấm và sưng vừa phải.
  • Ngứa.

#Phản ứng cục bộ lớn:

Gây ra sưng tấy kéo dài ngoài chỗ chích. Ví dụ, một người bị côn trùng chích vào mắt cá chân có thể bị sưng toàn bộ chân. Các dấu hiệu ở phản ứng cục bộ trông đáng báo động nhưng thường không nghiêm trọng hơn so với phản ứng bình thường. Phản ứng cục bộ thường đạt đỉnh điểm vào khoảng 48 giờ và sau đó dần dần trở nên tốt hơn từ 5 đến 10 ngày.

#Phản ứng phản vệ:

Phản ứng phản vệ là phản ứng dị ứng do côn trùng nặng nhất. Tuy loại phản ứng này không phổ biến, nhưng khi xảy ra thì đó là trường hợp khẩn cấp.

Các triệu chứng của phản ứng phản vệ bao gồm:

  • Khó thở
  • Phát ban đỏ, ngứa và lan rộng đến các khu vực ngoài vết cắn.
  • Sưng mặt, cổ họng hoặc bất kỳ phần nào của miệng hoặc lưỡi.
  • Thở khò khè và khó nuốt.
  • Bồn chồn, lo lắng.
  • Mạch nhanh.
  • Chóng mặt hoặc huyết áp giảm mạnh.

Bằng cách nhận biết các triệu chứng trên đây, bạn sẽ biết được các mức độ nguy hiểm của dị ứng do côn trùng. Từ đó quyết định xem bạn có cần gặp bác sĩ hay không.

6/ Biểu hiện dị ứng do mỹ phẩm

Những sản phẩm làm đẹp từ dầu gội đến đồ trang điểm, kem chống nắng, nước hoa có thể là những tác nhân gây kích ứng da và bùng phát dị ứng. Một nghiên cứu từ các chuyên gia đầu ngành trong năm 2010 đã cho thấy hơn một phần ba số người có ít nhất một phản ứng dị ứng với các thành phần mỹ phẩm.

Triệu chứng dị ứng do mỹ phẩm
Dị ứng da mặt do sử dụng mỹ phẩm

Biểu hiện dị ứng do mỹ phẩm có thể dao động từ phát ban đơn giản đến phản ứng dị ứng toàn diện. Các triệu chứng có thể bắt đầu ngay khi bạn sử dụng một sản phẩm mới hoặc sau nhiều năm sử dụng một sản phẩm không có vấn đề gì.

Có hai loại phản ứng da đối với mỹ phẩm:

  • Thứ nhất là viêm da tiếp xúc gây kích thích. Da bạn có thể xuất hiện các dấu hiệu bỏng, ngứa hoặc đỏ ngay sau khi bạn sử dụng sản phẩm. Đặc biệt nếu bạn gãi, vùng da này có thể bị phồng rộp và rỉ nước.
  • Thứ hai là loại phản ứng có liên quan đến hệ miễn dịch được gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng. Các triệu chứng của vấn đề này là da bị sưng, đỏ, ngứa và phát ban. Bạn có thể bị dị ứng trên bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất là trên mặt, môi, mắt, cổ và tai.

Trong một số trường hợp bị dị ứng do mỹ phẩm, bạn có thể gặp phải một loại phản ứng đơn độc hoặc đó là sự kết hợp của hai loại phản ứng dị ứng.

7/ Triệu chứng dị ứng do các bệnh viêm da

Viêm da là phản ứng xuất hiện khi da tiếp xúc với các chất kích thích, chất gây dị ứng hoặc một số bệnh lý bên trong và bên ngoài cơ thể. Các triệu chứng dị ứng do viêm da có thể gặp phải là phát ban đỏ trên da, phồng rộp và ngứa rát tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng dị ứng thường gặp nhất do các bệnh viêm da là ở viêm da tiếp xúc. Các chất tẩy rửa, xà phòng, chất làm mềm vải, dầu gội hoặc thậm chí tiếp xúc với nhiều nước – Tất cả có thể gây viêm da tiếp xúc.

8/ Biểu hiện dị ứng do nguồn nước

Dị ứng nước là một dạng phát ban thể chất điển hình gây ra khi người đó tiếp xúc với nước. Dị ứng nước được tìm thấy ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới.

Triệu chứng dị ứng do nguồn nước
Nguồn nước có thể là tác nhân gây ra các biểu hiện dị ứng

Dị ứng nước là một tình trạng hiếm gặp có thể gây phát ban ngứa và đau đớn. Phát ban này thường xuất hiện ở cổ, cánh tay và ngực. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phải dấu hiệu của dị ứng ứng ở bất cứ đâu trên cơ thể.

Trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với nước, những người bị dị ứng thường xuất hiện:

  • Ban đỏ trên da.
  • Cảm giác nóng rát.
  • Da bị sưng phù lên với các nốt sẩn và tấy đỏ.

Trong những trường hợp nặng hơn, nguồn nước có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng sau:

  • Phát ban quanh miệng.
  • Khó nuốt.
  • Thở khò khè.
  • Khó thở.

9/ Hiện tượng dị ứng do lão hóa

Khi bạn già đi, đây là thời điểm mà quá trình sản xuất collagen trong cơ thể bạn trở nên chậm chạp hơn. Bạn sẽ thấy có ít dầu tự nhiên được sản xuất ra, vì vậy làn da của bạn sẽ bị khô hơn. Lúc này, bạn có nhiều nguy cơ phát triển các tình trạng da khô và mắc phải một số bệnh về da như eczema và bệnh vảy nến. Điều này có thể gây kích ứng da và phát ban.

Khô da, ngứa ngáy và xuất hiện nứt nẻ hoặc tình trạng đỏ da là những dấu hiệu dị ứng do lão hóa. Bên cạnh đó, theo thời gian, hệ thống miễn dịch ở người già sẽ bị suy giảm, làm cho cơ thể dễ xảy ra phản ứng dị ứng với các tác nhân bên ngoài gây ngứa mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi và đau đầu.

10/ Triệu chứng dị ứng do sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức. Nếu bạn có phản ứng phản vệ thì việc điều trị tiến hành càng sớm càng tốt, bởi vì nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.

 Triệu chứng dị ứng do sốc phản vệ
Dị ứng do sốc phản vệ là mức độ nguy hiểm nhất cần được cấp cứu

Các dấu hiệu đầu tiên của phản ứng phản vệ có thể trông giống với các triệu chứng dị ứng điển hình: Sổ mũi hoặc phát ban da. Nhưng trong vòng khoảng 30 phút, các dấu hiệu nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện:

  • Ho, thở khò khè.
  • Đau thắt ngực.
  • Khó thở, tim đập mạnh.
  • Huyết áp thấp.
  • Môi và lưỡi bị sưng hoặc ngứa ngáy.
  • Cổ họng sưng gây khó nói và nuốt.
  • Nôn mửa, tiêu chảy hoặc bị co thắt.
  • Chóng mặt, lú lẫn hoặc ngất xỉu.

Dị ứng do sốc phản vệ là rất nguy hiểm, chính vì vậy người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tiến hành cấp cứu, tránh gặp phải hậu quả đáng tiếc xảy ra.

11/ Triệu chứng dị ứng do da tấy đỏ hoặc sưng

Từ cháy nắng đến việc mặc tã lót ở trẻ hoặc một tình trạng tổn thương da nào đó, có rất nhiều thứ làm cho da bị tấy đỏ và sưng lên. Điều này có thể kích hoạt phản ứng dị ứng trong cơ thể.

Triệu chứng dị ứng do da tấy đỏ hoặc sưng được đặc trưng bởi tình trạng ngứa ngáy khó chịu tại vùng da bị tấy đỏ, đôi khi xảy ra viêm nhiễm, lỡ loét nếu người bệnh cào gãi hoặc tác động mạnh vào vùng da bị tổn thương đó.

II. Những đối tượng dễ bị dị ứng nhất

Dị ứng có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết các dị ứng thực phẩm bắt đầu từ khi còn trẻ. Dị ứng môi trường có thể phát triển bất cứ lúc nào. Bạn cũng có thể bị dị ứng trong thai kỳ hoặc phát triển dị ứng theo thời gian (do quá trình lão hóa).

Trên thực tế, nhiều người không hiểu rằng tại sao một người bị phát triển dị ứng với tác nhân này mà người khác thì lại không. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho thấy, có một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra dị ứng như:

  • Tiền sử gia đình hoặc di truyền đóng một vai trò lớn. Bạn sẽ có nguy cơ dị ứng cao hơn so với những người bình thường khác nếu cha mẹ hoặc anh chị em của bạn bị dị ứng.
  • Trẻ em được sinh ra bằng hình thức mổ lấy thai cũng có quy cơ bị dị ứng cao hơn so với các trẻ được sinh ra bằng đường âm đạo.
  • Phơi nhiễm khói thuốc lá và sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ bị dị ứng.
  • Dị ứng phổ biến ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
  • Dị ứng phổ biến hơn ở các nước phương Tây và ít phổ biến hơn ở những đất nước nông nghiệp.
  • Đối tượng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng.
  • Nuôi nhiều các thú cưng trong nhà cũng tiềm ẩn nguy cơ bị dị ứng…

Việc nhận biết được những yếu tố có nguy cơ cao làm kích hoạt phản ứng dị ứng của cơ thể, điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong phòng ngừa và đối phó nếu cơ thể xuất hiện dị ứng.

III. Khi nào bệnh nhân bị dị ứng cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng, hãy nghĩ ngay tới việc tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán chắc chắn về tình trạng của mình. Các bác sĩ sẽ cho bạn biết được bạn bị dị ứng vì điều gì và làm thế nào để tránh được các tác nhân gây bệnh đó.

Gặp bác sĩ khi bạn bị dị ứng
Hãy nói chuyện với bác sĩ khi bạn có dấu hiệu dị ứng

Bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu:

  • Các triệu chứng dị ứng của bạn như chảy nước mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt và nổi ban đỏ trên da kéo dài hơn ba tháng. Khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi và khó ngủ.
  • Bạn đã thử dùng nhiều thuốc điều trị dị ứng không theo toa và tình trạng vẫn chưa được thuyên giảm.
  • Bạn đang có vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, bệnh tiểu đường, tăng nhãn áp, huyết áp cao, phì đại tuyến tiền liệt hoặc bệnh gan, bệnh thận.
  • Các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng và nguy cấp xảy ra trên cơ thể bạn.

Chờ đợi cho các triệu chứng dị ứng của bạn biến mất có lẽ không phải là một giải pháp tốt. Hầu hết các dị ứng sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Chính vì vậy, cả trẻ em và người lớn bị dị ứng nên nhớ là luôn đi khám bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị.

IV. Biện pháp phòng ngừa dị ứng

Cách tốt nhất đề ngăn ngừa bệnh dị ứng là tránh các chất có thể gây dị ứng trên cơ thể bạn. Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng trên thực tế có một số cách có thể làm giảm những nguy cơ này. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh dị ứng phổ biến nhất:

1/ Vệ sinh và thiết kế lại nội thất nhà cửa

Một trong những nguyên nhân gây dị ứng lớn nhất là mạt bụi nhà cửa và những loại côn trùng nhỏ xíu được tìm thấy trong bụi nhà. Bạn hoàn toàn có thể hạn chế được tình trạng này bằng cách:

  • Lựa chọn tấm trải sàn bằng gỗ thay vì tấm thảm.
  • Chọn rèm cuốn phù hợp để dễ dàng lau sạch.
  • Chọn đồ nội thất bằng da hoặc bằng nhựa.
  • Làm sạch giường nệm, đồ chơi mềm và hút bụi thường xuyên.
  • Thường xuyên lau các bề mặt bằng vải ẩm để tránh bụi khô, vì điều này có thể làm phát tán bụi trong không khí.
  • Tập trung kiểm soát ve bụi trong các khu vực trong nhà, nhất là những nơi bạn dành nhiều thời gian như phòng ngủ và phòng khách.

2/ Suy nghĩ về việc hạn chế nuôi thú cưng trong nhà

Không phải thú cưng gây ra phản ứng dị ứng ở cơ thể bạn, mà đó là mảnh da chết, nước bọt hoặc nước tiểu khô của chúng.

Phòng ngừa bệnh dị ứng
Hạn chế nuôi thú cưng để phòng ngừa bệnh dị ứng

Nếu bạn không thể không nuôi thú cưng trong nhà vì sở thích, hãy thử:

  • Giữ vật nuôi bên ngoài càng nhiều càng tốt.
  • Hạn chế cho chúng vào khu vực cụ thể trong nhà, tốt nhất là khu vực không có thảm.
  • Không cho phép vật nuôi vào phòng ngủ.
  • Tắm rửa vật nuôi thường xuyên, ít nhất một tuần một lần.
  • Tăng quạt thông gió, điều hòa không khí.

3/ Triệt tiêu và ngăn không cho nấm mốc phát triển

Nấm mốc có thể phát triển ở những môi trường ẩm ướt trong ngôi nhà của bạn, nhất là ở nhà vệ sinh hoặc rèm cửa hoặc thậm chí là áo quần bị ẩm ướt.

Bạn có thể ngăn chặn điều này bằng cách:

  • Giữ nhà của bạn luôn khô ráo và thông gió tốt.
  • Không làm khô quần áo trong nhà, lưu giữ quần áo trong tủ kín.
  • Làm sạch bất kỳ khu vực ẩm ướt và ngưng tụ nước trong nhà của bạn.

4/ Xem xét những gì bạn ăn

Bằng cách kiểm tra kỹ lưỡng nhãn mác để biết được các thành phần của sản phẩm, điều này cho phép bạn tránh được phản ứng dị ứng do một thành phần nào đó có trong sản phẩm bạn mua hằng ngày.

Những người bị dị ứng thức ăn thường gặp phản ứng dị ứng khi ăn ở nhà hàng, chính vì vậy, hãy thận trọng kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ăn.

Liệt kê những danh sách thực phẩm nào gây dị ứng và có khả năng cao gây dị ứng và hạn chế hoặc tránh ăn chúng để đảm bảo bạn đã tránh khỏi được nguy cơ bị dị ứng do thức ăn.

Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe định kỳ và học cách quan sát, lắng nghe cơ thể là giải pháp tốt giúp bạn kiểm soát được tình trạng sức khỏe của bạn thân và chủ động đối phó với vấn đề gặp phải.

Dị ứng là vấn đề rất phổ biến nhưng những gì chúng gây ra có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tinh thần, chất lượng cuộc sống và thậm chí là đe dọa đến tính mạng của bạn.

Không ai khác ngoài bạn là người đầu tiên có thể cảm nhận được những bất thường đang diễn ra. Chính vì vậy, điều quan trọng là bạn nên nhận biết sớm những dấu hiệu dị ứng bất thường xảy ra trên cơ thể, nhanh chóng tìm gặp bác sĩ và lên kế hoạch điều trị kịp thời để loại bỏ triệt để càng sớm càng tốt hiện tượng này.

➥ Đừng bỏ lỡ thông tin về: 14 Cách chữa bệnh ngứa ngoài da giúp bạn triệt tiêu cơn ngứa hiệu quả

Phương Nhung (Tổng hợp)

XEM THÊM

Cập nhật lúc 09:53 - 03/10/2021

Bình luận (0)

Tổng hợp các triệu chứng dị ứng da thường gặp nhất

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *