Vì sao trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng và cách xử lý

Tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng là một trong những vấn đề thường xảy ra, nhưng không phải bậc làm cha mẹ nào cũng hiểu được nguyên nhân và cách xử lý. 

Câu hỏi từ bạn đọc:

“Thưa bác sĩ, con tôi vừa được 6 tháng tuổi, từ khi sinh cháu ra đến giờ cháu rất khỏe mạnh, da dẻ cũng không gặp phải bất cứ vấn đề gì. Thế nhưng không hiểu vì sao mấy ngày nay, da bé lại bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng, càng ngày càng nhiều khiến gia đình không khỏi lo âu. Mong bác sĩ của chuyên mục giải đáp giúp tôi, con tôi có thể đã bị bệnh gì và tôi có thể làm gì để khắc phục tình trạng đó? Xin cảm ơn.”

(mẹ của Sóc, Bình Dương).

nổi mẩn đỏ quanh miệng ở trẻ
Không ít phụ huynh hoang mang khi thấy trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng.

I- Nguyên nhân nào khiến cho trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng?

Cấu tạo da cũng như hệ miễn dịch của trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị phát ban, nổi mẩn đỏ. Thông thường, tình trạng này sẽ lui dần khi trẻ lớn lên với điều kiện cha mẹ biết cách làm vệ sinh da cho trẻ. Trong trường hợp xung quanh miệng bé bị nổi mẩn đỏ thì rất có thể bé đã mắc phải một trong những vấn đề sau đây:

1- Nước bọt thừa trên da

Cụ thể, đây là tình trạng trẻ nhỏ bị kích ứng hoặc đỏ mặt, khu vực xung quanh miệng do nước bọt thừa để lại trên da. Thông thường thì trẻ sẽ gặp phải loại mẩn đỏ này vào một thời điểm nào đó, nhưng phổ biến nhất là ở giai đoạn mọc răng. 

  • Nguyên nhân

Làn da nhạy cảm quanh miệng của bé bị ẩm ướt thường xuyên, cộng với những cử chỉ cọ xát với gối là điều kiện thuận lợi khiến cho những ban đỏ, mẩn đỏ xuất hiện. Có một số trường hợp, nổi mẩn đỏ quanh miệng sẽ bị nhiễm trùng và dẫn đến bệnh chốc lở ở trẻ sơ sinh. 

  • Cách khắc phục

Phụ huynh không phải lo lắng quá mức vì hiện tượng này rất hay xảy ra ở trẻ, không nghiêm trọng và sẽ không cần sự điều trị quá phức tạp. Một trong những cách khắc phục cũng như phòng ngừa tốt nhất là cho trẻ dùng các sản phẩm có khả năng tạo ra rào cản kháng khuẩn, chẳng hạn như việc giặt khăn mặt của bé với xà phòng dịu nhẹ, lau người bé với nước ấm và bôi kem Vaseline hoặc kem dưỡng da có chứa Lanolin lên da bé. 

2- Nấm da

Bạn cần biết, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng mẩn đỏ nổi xung quanh miệng của bé. Theo thống kê thì có 35% bé dưới 6 tháng tuổi đã hoặc đang gặp phải vấn đề này.

trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng do nấm da
Bệnh nấm da sẽ khiến cho trẻ bị nổi mẩn đỏ ở quanh miệng.
  • Nguyên nhân

Nấm da (trong trường hợp này còn được gọi là nấm miệng) xảy ra khi nấm men Candida albicans phát triển quá mức trên da bé. Loại nấm này vốn có sẵn trong hệ tiêu hóa nhưng được hệ miễn dịch kiểm soát lại, nhưng đối với trẻ nhỏ thì hệ miễn dịch không đủ hoàn chỉnh để có thể làm được điều đó. Nguy cơ bị nấm da cũng tăng lên đáng kể nếu trước đó bé có dùng một số loại kháng sinh nhất định, hoặc thuốc trị hen suyễn. 

  • Triệu chứng

Da quanh miệng của trẻ sẽ xuất hiện li ti các mẩn đỏ, kèm theo tình trạng nứt da ở các góc miệng. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể dễ dàng quan sát thấy các mảng dày màu trắng trên lưỡi trẻ. Nấm miệng không gây đau đớn cho bé nên chỉ có thể nhận biết bằng các triệu chứng trên bề mặt da.

  • Cách xử lý

Thường thì nấm miệng sẽ tự biến mất sau từ 1-2 tuần nếu bạn biết cách chăm sóc da cho trẻ. Tuy nhiên, nếu bệnh lí này khiến cho bé gặp hạn chế trong ăn uống thì bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ khoa Nhi ngay, tránh tình trạng bị viêm nhiễm.

3- Bệnh tay chân miệng

Khoảng vài năm trở lại đi, tay chân miệng bắt đầu xuất hiện phổ biến, đôi khi tạo thành dịch bệnh trong một số mùa nhất định. Bệnh gây tác động đến quanh miệng, tay, chân nhưng cũng không loại trừ trường hợp lây lan đến chân và mông. Trẻ em từ 3-5 tháng và 9-12 tháng là đối tượng chính của căn bệnh này.

  • Nguyên nhân

Tay chân miệng là một căn bệnh khá nguy hiểm, được gây ra bởi virus Entero và có khả năng lây lan rất cao (qua nước bọt). Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3 – 6 ngày, sau khoảng thời gian này thì bệnh nhân sẽ bắt đầu gặp phải các triệu chứng của bệnh. 

  • Triệu chứng

Các triệu chứng ban đầu của tay chân miệng có thể kể đến như mệt mỏi, đau họng, sốt từ 38 – 39°C. Sau 1-2 ngày, các vết loét sẽ bắt đầu xuất hiện ở trên bàn chân, tay, miệng và gây đau đớn, ngứa ngáy cho trẻ. 

  • Khắc phục

Sau khi được các bác sĩ xác định bệnh, bạn có thể đề nghị được điều trị cho bé tại nhà bằng cách hạn chế những món ăn cay hoặc giàu acid. Bên cạnh đó, bé cần được dùng thuốc Ibuprofen hoặc Acetaminophen để giảm sốt và đau. Bệnh thường sẽ khỏi sau 1 tuần, trong điều kiện bé được uống đúng thuốc và được vệ sinh da tốt. 

trẻ bị nổi mẩn đỏ do bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là một bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ và thường khỏi sau 1 tuần điều trị.
  • Lưu ý

Cách ly trẻ đang bị tay chân miệng khỏi các trẻ khác, để có thể tránh tình trạng lây lan. Ngay lập tức đưa bé đến bác sĩ nếu như bên cạnh các mẩn đỏ ở quanh miệng, chân và tay thì còn có các biểu hiện như khó thở, sốt cao. 

4- Một số nguyên nhân khác

Bên cạnh 3 bệnh lí thường gây ra tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng, các bác sĩ cũng tìm ra được một số nguyên nhân khác như chốc lở, lở miệng và bệnh thủy đậu.

  • Thủy đậu

Thủy đậu hay còn được với cái tên đậu mùa, đây là một bệnh lí về da vô cùng phổ biến vì nó có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Đặc biệt, những người có sức đề kháng thấp sẽ dễ bị bệnh hơn. Ở trẻ sơ sinh, thủy đậu rất hiếm khi xảy ra vì bé vẫn được bảo vệ từ kháng thể của mẹ. Nhưng sau đó vài tháng, bé lại trở thành đối tượng chính của bệnh này. Triệu chứng của bệnh đơn giản chỉ là những ban đỏ nổi lên ở khắp vùng da trên cơ thể, trong các đốm đỏ có chứa nước trong. 

  • Chốc lở

Chốc lở là từ dùng để chỉ việc da bị nhiễm trùng. Biểu hiện đầu tiên của bệnh lí này là da bé sẽ xuất hiện các vết loét, mẩn đỏ quanh miệng, cảm thấy rất ngứa. Sau một thời gian thì những đốm đỏ đó trở thành lớp mề đay màu mật ong. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ vì ở lứa tuổi này, bé sẽ không ý thức được việc không nên gãi. Chốc lở có thể được điều trị dứt điểm bằng thuốc kháng sinh.

  • Lở miệng

Bé có thể bị nổi những nốt mẩn đỏ xung quanh miệng vì bị lở miệng. Đây không phải là một bệnh lí nghiêm trọng, thậm chí còn có thể tự khỏi sau vài ngày bé được vệ sinh miệng và vùng da quanh miệng đúng cách.

II- Cần làm gì khi trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng?

Tuy chỉ là một vấn đề ngoài da, nhưng việc bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng sẽ khiến cho trẻ ngứa ngáy, khó chịu và gặp nhiều bất tiện trong ăn uống cũng như sinh hoạt. Vì vậy, khi phát hiện ra con mình bị tình trạng này, bạn cần nắm rõ cách xử lí, chăm sóc để có thể hạn chế tối đa những rắc rối. Những việc mà phụ huynh cần làm đã được trình bày chi tiết ngay dưới đây:

cần làm gì để bé hết bị mẩn đỏ quanh miệng
Phụ huynh có thể thực hiện một số biện pháp để khắc phục tình trạng mẩn đỏ nổi ở xung quanh miệng cho bé.

1- Quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn uống của mẹ và bé

Trong thời gian bị nổi mẩn đỏ, bạn hãy hiểu rằng những gì mà bé ăn vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi phục. Trong trường hợp bé bú mẹ thì chế độ ăn uống của mẹ cũng là một điều cần phải lưu ý.

  • Việc bú sữa mẹ của bé không được vì thế mà bị gián đoạn, mẹ hãy cho bé bú nhưng cần nhớ lau sạch miệng bé cũng như cơ thể của mình thật sạch sẽ.
  • Hãy cho bé uống nhiều nước hơn mức bình thường để có thể thúc đẩy quá trình phục hồi của da.
  • Nếu bé đang bú sữa, các mẹ hãy chú ý hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều acid như cam, chanh, trái cây có nhiều đường như vải, nhãn, xoài…
  • Nếu trẻ đã ăn dặm, nên tăng cường nhiều rau xanh và trái cây có tính mát. Việc này sẽ giúp nuôi dưỡng da và tăng sức đề kháng cho trẻ.

2- Vệ sinh vùng miệng của bé đúng cách

Để giảm cảm giác ngứa ngáy cho trẻ và hỗ trợ cho quá trình điều trị, cha mẹ cần phải biết cách chăm sóc và vệ sinh vùng da quanh miệng đang bị nổi mẩn đỏ của trẻ đúng cách. Đây là một việc làm vô cùng cần thiết.

  • Trong trường hợp bé bị ngứa rát nên quấy khóc, bạn có thể đắp khăn ướt lên vùng da đang bị nổi mẩn đỏ. Cách này giúp da bé được làm mát một cách nhanh chóng và giảm cảm giác khó chịu.
  • Vệ sinh miệng bé bằng nước muối loãng 2 lần mỗi ngày. Tắm bé bằng nước ấm 1 lần/ ngày. Đối với bé dưới 6 tháng, cha mẹ hãy làm sạch lưỡi của bé bằng dung dịch chuyên dụng được bác sĩ chỉ định.
  • Tham khảo các loại thuốc mỡ dành riêng cho vùng da miệng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Nhi khoa.
  • Hạn chế tối đa các hành động chạm, cọ xát vào vùng da đang bị nổi mẩn đỏ của trẻ.

→ Tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng có nguyên nhân khá phức tạp. Vì vậy, để tránh trường hợp lây lan và viêm nhiễm, bạn cần đưa bé đến bệnh viện ngay. Chúc cho bé luôn có thật nhiều sức khỏe.

Quốc Nhi. 

Thông tin hữu ích dành cho bạn:

XEM THÊM

Cập nhật lúc 10:41 - 17/04/2023

Bình luận (0)

Vì sao trẻ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng và cách xử lý

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *